CỬA SÔNG
Là cửa nhưng không then khóa
Cũng không khép lại bao giờ
Mênh mông một vùng sóng nước
Mở ra bao nỗi đợi chờ.
Nơi những dòng sông cần mẫn
Gửi lại phù sa bãi bồi
Để nước ngọt ùa ra biển
Sau cuộc hành trình xa xôi.
Nơi biển tìm về với đất
Bằng con sóng nhớ bạc đầu
Chất muối hòa trong vị ngọt
Thành vũng nước lợ nông sâu.
Nơi cá đối vào đẻ trứng
Nơi tôm rảo đến búng càng
Cần câu uốn cong lưỡi sóng
Thuyền ai lấp lóa đêm trăng.
Nơi con tàu chào mặt đất
Còi ngân lên khúc giã từ
Cửa sông tiễn người ra biển
Mây trắng lành như phong thư.
Dù giáp mặt cùng biển rộng
Cửa sông chẳng dứt cội nguồn
Lá xanh mỗi lần trôi xuống
Bỗng… nhớ một vùng núi non
QUANG HUY
Nội dung chính Cửa sông
Bài thơ nói về cửa sông, một nơi rất đặc biệt vì có nước từ biển hòa cùng nước sông tạo thành vùng nước lợ, cho tôm cá phong phú, cuộc sống ấm no. Cửa sông là nơi giao lưu giữa đất liền, núi non với biển cả.
Câu 1 (trang 75 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 2): Trong khổ thơ đầu, tác giả dùng những từ ngữ nào để nói về nơi sông chảy ra biển? Cách giới thiệu ấy có gì hay?
Trả lời:
* Tác giả sử dụng cách chơi chữ trong khổ thơ đầu, đó là các từ ngữ:
“Là cửa nhưng không then khóa, không khép lại bao giờ”. Đó là cửa sông, cùng cách nói chỉ cửa cổng, cửa nhà ở của con người. Cửa sông nơi đây có “mênh mông một vùng sông nước”. Nơi ấy con sông chảy vào biển, hồ hay một dòng sông khác.
* Nhờ cách giới thiệu như vậy, tác giả muốn nói cửa sông luôn phải được thông suốt để sông và biển được nối liền nhau phục vụ cho cuộc sống của nhân loại. Cách nói như vậy rất lạ, hấp dẫn người nghe.
Câu 2 (trang 75 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 2): Theo bài thơ, cửa sông là địa điểm đặc biệt như thế nào?
Trả lời:
Cửa sông là một địa điểm đặc biệt bởi vì là nơi sông gửi phù sa làm nên những bãi bồi, nơi biển tìm về đất liền; nơi đưa tôm cá vào sông; nơi tiễn người ra khơi, nơi con tàu chào mặt đất.
Câu 3 (trang 75 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 2): Phép nhân hóa ở khổ thơ cuối giúp tác giả nói lên điều gì về “tấm lòng” của cửa sông đối với cội nguồn?
Trả lời:
Biện pháp nhân hóa trong khổ thơ cuối như sau:
– Cửa sông giáp mặt cùng biển rộng. Cửa sông chẳng dứt cội nguồn, bỗng có lúc nhớ một vùng núi non.
– Biện pháp nhân hóa này như ngầm khẳng định tình nghĩa thủy chung của cửa sông. Nó vẫn có một cội nguồn mãi mãi chảy xuống làm thành dòng sông đi qua cửa sông và hòa nhập vào biển, nhưng nó cũng giống như “nước đi ra bể lại mưa về nguồn” sẽ chẳng có nếu không có một cội nguồn từ trên cao.
Câu 4 (trang 75 sgk Tiếng Việt lớp 5 tập 2): Học thuộc lòng bài thơ.
Trả lời:
– Học sinh tự học thuộc lòng bài thơ.
– Chú ý các từ ngữ khó: then khóa, cần mẫn, nước lợ nông sâu,…
– Đọc với giọng điệu: ca ngợi, tự hào.
Mọi chi tiết liên hệ với chúng tôi :
TRUNG TÂM GIA SƯ TÂM TÀI ĐỨC
Các số điện thoại tư vấn cho Phụ Huynh :
Điện Thoại : 091 62 65 673 hoặc 01634 136 810
Các số điện thoại tư vấn cho Gia sư :
Điện thoại : 0902 968 024 hoặc 0908 290 601
Leave a Reply