Tập làm văn: Miêu tả con vật

5/5 - (1 vote)

Đề 1: Tả một con vật nuôi trong nhà

Bài văn tham khảo

Mẫu 1:

Tả con gà trống

Phương Đông vừa ửng hồng. Bỗng, một tiếng gáy vang động xé tan màn sương sớm. Đó là tiếng gáy của con gà trống nhà em.

Bầy gà nhà em nhiều lắm, có đến vài chục con, nhưng duy nhất chỉ có mình chú là khác giống. Chú thuộc giống gà pha, to khỏe như một đô vật ngoại hạng. Chú khoác trên mình một tấm áo màu đỏ tía. Hai cánh và đuôi pha màu xanh biếc. Đầu chú to bằng nắm tay em, chiếc mào hình bánh lái tàu đỏ chót. Đôi mắt tròn xoe như hai hạt nhãn. Cái mỏ khoằm khoằm vàng sậm. Đôi chân màu vàng nghệ, cựa sắc và nhọn. Hai cái cánh to như hai cái quạt của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Cái đuôi đủ màu sắc nhưng nổi hơn cả là màu đen, xanh cong cong như hình lưỡi liềm. Có những chiếc lông ba màu đỏ, xanh, đen quăn lại như một nét hoa văn càng tôn thêm vẻ “hào hoa phong nhã” cho chú.

Trong sinh hoạt với đàn, có lẽ chú là người có tấm lòng độ lượng bao dung nhất. Mỗi lần em vãi thức ăn ra sân chú cũng chạy đến nhưng không thấy chú tranh giành với ai cả. Thậm chí có miếng mồi ngon chú cũng chia năm sẻ bảy cho những cô mái tơ.

Em rất yêu chú gà trống này. Chú là chiếc đồng hồ báo thức ở xóm em, thúc mọi người dậy đúng giờ để đi làm, còn tụi nhỏ chúng em thì đến trường.

Mẫu 2:

Tả con chó

Nó tên là Lai, cái tên mà em đặt cho nó khi nó còn bé tí tẹo. Ba bảo: “Giống chó này quý lắm con ạ! Ba dặn đi dặn lại nhiều lần, với lại ở chỗ thân quen bác ấy mới ưu tiên cho mình con Lai này đấy, ráng mà nuôi dạy cho kĩ!”.

Mới đó mà đã một năm rồi, con Lai lớn nhanh trông thấy. Càng lớn cu cậu càng đẹp mã. Ở xóm em chỉ một mình cậu mới có bộ áo khoác khác đời, lằn vằn những sọc trắng, nâu, xám y như một con hổ quảng cáo trên màn hình nhỏ vậy. Cái đầu của nó trông như cái yên xe đạp của em với hai cái tai như hai lá mận úp về phía trước. Đôi mắt thì trong xanh như màu da trời chứa đựng sự tinh khôn và nhạy cảm của một giống chó béc giê mà các chú công an thường nuôi dạy. Cái mũi của chú màu nâu đen, có hai cái lỗ nho nhỏ bằng ngón tay út của em, nó đánh hơi cực giỏi.

Tối đến, Lai thường nằm ngủ ở bậc thềm ngoài hiên để canh chừng kẻ trộm. Không biết trong suốt cả một đêm dài đằng đẵng như thế nó có ngủ được chút nào không. Bất kì một tiếng động nhỏ nào chú cũng đều phát hiện được cả. Có một lần, tên trộm định lẻn vào bưng đi một chậu kiểng quý ở trước sân nhà. Chú từ bậc cửa phóng ra, sủa lên mấy tiếng. Thấy động tên trộm vội lùi dần ra cửa. Lai biết là kẻ gian, liền gừ lên một tiếng rồi xông thẳng vào tên trộm, xé gọn một miếng quần cảnh cáo làm cho kẻ gian một phen khiếp đảm.

Lai khôn ngoan và lanh lợi nên cả nhà em ai cũng quý nó. Mỗi lần có gì ngon, nhất là mấy cục xương hầm, em đều dành cho Lai. Lai mừng lắm, vẫy đuôi cảm ơn rối rít.

Mẫu 3:

Tả con bò

Mỗi sáng thức dậy em đều được nghe tiếng kêu của con bò nhà bác hàng xóm. Nhà bác nuôi bò đã mấy năm nay nên với em tiếng kêu ấy đã trở nên quen thuộc. Lâu lâu được nghỉ học em lại chạy sang ngắm nhìn con bò một lúc. Đối với em thì đây là một con vật rất đáng yêu.

Con bò có bộ da màu vàng giống như màu của chiếc kẹo kéo mà thi thoảng em vẫn dùng vỏ lon bia của bố để đổi lấy một chiếc. Lúc đầu em tưởng rằng bò không có lông nhưng thực tế nó cũng có lông bao phủ khắp mình chỉ có điều những sợi lông tơ màu trắng và ngắn nên từ xa chúng ta không nhìn rõ. Cơ miệng không cho phép con bò cười nhưng em không thấy con bò này lạnh lùng chút nào. Ngược lại nó vẫn rất thân thiện. Nó có thể đứng yên để cho em vuốt ve thân mình của nó. Đứng gần con bò, nhìn kĩ vào mắt nó em mới nhận ra bò có đôi mắt thật là đẹp. Hai con mắt đen láy, lúc nào cũng có vẻ ươn ướt. Đặc biệt mắt bò có hai hàng lông mi cong vút. Đầu con bò gần giống với đầu trâu, đầu ngựa với phần mõm nhô dài phía trước. Lỗ mũi của con bò rất to. Bác hàng xóm đã xỏ qua đó một sợi dây thừng đồng thời đeo vào cổ con bò một cái chuông nhỏ. Con bò cứ bước đi hay lắc lư cái đầu là chuông sẽ kêu. Bác bảo làm như vậy để không bị mất trộm bò. Mỗi một con bò như vậy có giá vài triệu đồng nên nếu mất thì tiếc lắm. Nhà bác hàng xóm nuôi bò cũng chỉ mong kinh tế gia đình khấm khá hơn đôi chút nên bác chăm con bò cũng rất kĩ lưỡng. Bò được cho ăn, được cho tắm và được ở trong một cái chuồng có mái che nắng, che mưa.

Hôm vừa rồi, con bò cái nhà bác đã đẻ được hai con bò con. Em cũng đã kịp chạy sang ngắm nhìn chúng. Nhìn những con bò con cũng thật đáng yêu giống như bố mẹ của chúng vậy.

Mẫu 4:

Tả con trâu

Con trâu là hình ảnh gắn liền với làng quê từ ngàn năm nay. Khi nhắc đến con trâu,chúng ta lại nghĩ đến vai trò to lớn của nó trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam bao đời nay. Nó đã là một người bạn thân thiết, được xem là biểu tượng của người nông dân Việt Nam.

Từ bao đời nay, hình ảnh con trâu được nhắc đến như là biểu tượng của sự cần cù, chăm chỉ, chất phác của con người Việt Nam. Trâu có hai loại: trâu đực và trâu cái và là động vật nhai lại. Một đặc điểm khá dễ nhận ra của trâu, đó là nó không có hàm răng trên. Tấm thân của trâu rất chắc chắn, da của nó màu đen, rất dai. Sừng có hình lưỡi liềm. Cân nặng trung bình của trâu cái là từ 350-400 kg thì trâu đực nặng từ 400-450kg.

Thân hình của trâu rất vạm vỡ, sức chịu đựng dẻo dai cho nên nó có thể chở được nhiều đồ đạc. Với người nông dân Việt Nam, trâu gắn bó thân thiết như một người bạn đáng quý, từ công việc cày bừa hay kéo léo, kéo ngô,… Chả thế mà ông cha ta đã từng đúc kết rằng “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, hay là:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cái cày nối nghiệp nông gia,
 Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

Ngày nay, nhiều loại máy móc, phương tiện hiện đại đã xuất hiện nhưng trâu vẫn luôn là hình ảnh không thế thay thế trong đời sống nông nghiệp của làng quê Việt Nam. Chú là người bạn thân thiết của nông dân Việt Nam. Tôi càng thấm thía câu nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Đề 2: Tả một con vật nuôi ở vườn thú.

Bài văn tham khảo

Mẫu 1:

Tả con sư tử

Chủ nhật tuần trước em được bố mẹ cho đi chơi vườn thú. Bao nhiêu con vật xinh xắn và đáng yêu nhưng em thích nhất là sư tử, chúa sơn lâm của muôn loài.

Bộ móng của sư tử mới sắc làm sao. Sư tử vốn sinh ra và lớn lên trên những đồng cỏ rộng lớn. Vì thế, bị nhốt trong những chiếc lồng chú ta tỏ ra khó chịu lắm. Nhưng không phải vì thế mà làm giảm mất vẻ uy nghi của một vị chúa sơn lâm. Nhìn nó vẫn rất bệ vệ, đường hoàng. Thân hình to lớn, lượn sóng nom rất vĩ đại. Bốn cái chân to rắn chắc, chạy rất nhanh. Mỗi bước đi của nó thật uyển chuyển, nhẹ nhàng như đang đi trên tấm thảm lụa. Bộ móng của sư tử mới sắc làm sao. Nhìn sư tử đáng sợ là thế nhưng có khuôn mặt khá hiền lành. Chú sư tử đực có bộ bờm phía trước nhìn rất giống một ông hoàng, nó xù ra tạo thành một cái khăn choàng ấm áp. Đôi mắt nhìn xa xăm. Cái miệng mỗi khi há ra nhìn rõ hàm răng sắc nhọn. Xung quanh miệng là những chiếc râu trắng. Cái mũi đen và rất thính. Thức ăn của sư tử là thịt, mỗi lần nhìn chú ta thưởng thức rất ngon lành.

Sư tử dù có ở bất cứ đâu vẫn oai vệ, lẫm liệt và luôn được mọi người chú ý.

Mẫu 2:

Tả con khỉ

Những đứa trẻ như tôi thường được cha mẹ dẫn đi sở thú, vườn bách thú. Bởi nơi đây trong lành, gần gũi với thiên nhiên, tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Mẹ tôi thường hay nói, đến sở thú để giúp tôi nhận biết tốt hơn về thế giới tự nhiên. Ban đầu, tôi không thích đến đó một chút nào nhưng nghe lời mẹ, tôi cũng đến thử một lần xem sao.

Quả thực khi đặt chân đến vườn thú, tôi đã bị thu hút ngay bởi thảm cỏ xanh mướt và tiếng kêu của bầy khỉ. Tôi liền kéo mẹ đến xem. Những chú khỉ đang nhảy nhót và phát ra tiếng kêu. Len vào giữa đám đông cuối cùng tôi cũng nhìn thấy chúng. Những chú khỉ mình đầy lông lá, một bộ lông màu hung hung ánh vàng hoe hoe lên trong nắng làm tôi buồn cười. Đôi mắt đen to tròn tinh ranh của chúng càng làm tôi bị thu hút. Chiếc mũi cao hếch lên trông thật tếu, lại thêm khuôn miệng rộng, hàm răng chìa ra. Phải nói rằng, nhìn thấy khuôn mặt của chúng khiến tôi vui vẻ hẳn lên. Đôi tay, đôi chân dài lều nghều, cái đuôi dài cong cong xoắn ốc vào bên trong khiến tôi thực sự rất thích thú. Những động tác nhanh nhạy, chuẩn xác, khéo léo của chúng khiến tôi phải trầm trồ. chúng leo lên cây rồi lại nhảy xuống, chạy vòng quanh, khi lại ngồi trên cây túm tụm lại gãi lưng cho nhau. Cả bầy khỉ chẳng hề để tâm đến những thứ xung quanh, chúng cứ hành động theo bản năng, sở thích của chúng. Phải nói rằng, bầy khỉ là trung tâm của sự thu hút trong vườn thú này. 

Sau buổi hôm ấy, tôi luôn muốn được đến sở thú một lần nữa để ngắm nhìn những loài động vật sống ở nơi đây.

Mẫu 3:

Tả con cá sấu

Cá sấu là một loài bò sát khổng lồ. Chúng rất thích sống trong môi trường nước và thường ở các vùng nhiệt đới như ở châu Phi, châu Á, châu Úc.

Cá sấu có thân hình to lớn nhưng không cao mà dài mình. Chúng có bốn chân ngắn và bẹt. Nhìn từ xa, trông chúng như một con thằn lằn khổng lồ đầy kiêu ngạo. Cá sấu có cái miệng dài và rộng mọc đầy những chiếc răng trắng nhọn hoắt. Những chiếc răng đó mà cắn vào con môi thì chúng khó lòng sống sót được. Cùng với hàm răng sắc nhọn, cá sấu còn có chiếc đuôi dài gắn đầy gai rất khoẻ, chỉ một cái quật đuôi cũng đủ làm con mồi ngã gục. Cá sấu tuy có thân hình to lớn và nặng nề nhưng lại di chuyển rất nhanh cả trên cạn và dưới nước. Cá sấu là một loài máu lạnh nên chúng thường phải phơi nắng để giữ thân nhiệt luôn ổn định. Chính vì vậy, chúng ta thường thấy những chú cá sấu nằm phơi mình trên đất, quai hàm há rộng, đôi mắt to nhắm nghiền, không động đậy. Chúng rất lười biếng, chỉ thỉnh thoảng mới chịu đi kiếm ăn, thời gian còn lại chủ yếu dành cho việc ngủ và tắm nắng. Chúng ta thấy cá sấu có thể nhấn chìm toàn bộ cơ thể xuống dưới nước rất lâu bởi lỗ mũi, tai và mắt nằm trên đỉnh đầu. Bộ da của chúng rất dày và chắc chắn như một chiếc mai. Bộ da này rất có giá trị kinh tế. Vì vậy mà một thời gian dài cá sấu trở thành loài động vật bị săn bắt ráo riết.

Cá sấu là loài động vật ăn thịt nguy hiểm đã một thời gây hoang mang. sợ hãi cho con người. Nhưng hiện nay, loài bò sát khổng lồ này đang được con người nuôi rất nhiều vì chúng có lợi ích thương mại rất lớn.

Mẫu 4:

Tả con cá hổ

Mỗi tháng một lần, bố mẹ đưa em đi chơi vườn thú vào ngày chủ nhật. Ở đó có nhiều loài thú lạ, em xem hoài không chán. Nhưng em thích nhất vẫn là con hổ.

Chuồng hổ được đặt ở góc trong cùng của vườn thú và rộng nhất so với các chuồng thú khác. Trong chuồng hổ có một cây cổ thụ mọc tự nhiên và người ta còn làm núi giả, có cá suối nước chảy róc rách. Ở đó chỉ có duy nhất một con hổ.

Đó là một con hổ rất lớn. Thân nó cao khoảng một thước, dài hơn một thước rưỡi. Từ đầu đến chân hổ phủ một lớp lông ngắn màu vàng sậm có những vằn đen. Cả cái đuôi dài cũng một màu lông như thế.

Đầu hổ tròn, lớn hơn quả dừa, nối với thân bằng một cái cổ ngắn, rất khỏe. Hai tai ngăn, vểnh lên. Cặp mắt tròn, to bằng quả chanh, màu vàng nhạt, lúc nào cũng long lên trông rất dữ tợn. Cánh mũi có màu hồng sậm, lúc nào cũng phập phồng như đang đánh hơi. Miệng nó rộng, xung quanh có những sợi ria vàng, thỉnh thoảng lại nhe ra để lộ hàm rang khỏe có những chiếc rang nhanh nhọn hoắt. Em thích nhất là nhìn hổ đi. Bốn chân khỏe, bước những nước chậm rãi, êm áo. Toàn thân hổ uống lượn mềm mại như song, nhịp nhàng theo bước chân đi. Khi bước lên sườn núi, con hổ dừng lại và phóng mắt nhìn ra xung quanh. Dáng hổ vươn cao theo dốc núi, đuôi cong lên, trong thật đẹp và oai vệ. Nhưng chỉ được một chốc, nó lại khoanh mình dưới gốc cây cổ thụ, nằm thiu thỉu ngủ. Bố em bảo có lẽ nó nhớ núi rừng quê hương của nó.

Có lần em thấy các bác trong vườn thú cho hổ ăn. Từng mảnh thịt bò lớn được ném vào chuồng. Hổ nằm dài, chân trước đặt lên tảng thịt, dùng răng ngoạm và xé từng miếng thịt rất dễ dàng bằng những chiếc rang nanh nhọn sắc. Ăn xong, hổ uể oải đứng dậy, đi đến bên dòng suối uống nước rồi lại trở về khoanh mình bên gốc cây.

Em rất thích ngắm hổ. Trong cảm nhận của em, con hổ là hình ảnh của núi rừng hoang dã, của sức mạnh tự nhiên, đẹp đẽ và kiêu hùng.

Đề 3: Tả một con vật em chợt gặp trên đường.

Bài văn tham khảo

Mẫu 1:

Tả đàn gà con

Hôm nay, em được về quê ngoại chơi, đang mải mê chơi trong vườn ăn quả, chợt em nghe thấy tiếng: “Cục ta.. cục tác”. Hóa ra là tiếng gọi đàn con của cô gà mái đang dẫn đàn con đi kiếm mồi.

“Chiếp chiếp….” đấy là tiếng kêu gọi mẹ của những chú gà con lông vàng óng như tơ đang theo mẹ đi kiếm mồi. Gà mẹ đi trước, những chú gà con lon ton chạy theo sau. Cái đuôi tôm sắp xòe ra, màu vàng nâu, cặp chân bé tí bước liến thoắng, thỉnh thoảng các chú gà con lại vỗ cánh bay, lại nhún chân nhảy trông thật đáng yêu. Nắng mai rực rỡ, cả đàn gà vàng rực lên. Gà mẹ xòe cánh, lúc duỗi chân, lúc nghiêng mỏ ngoái đầu, âu yếm nhìn đàn con thơ. Đôi mắt chúng ngơ ngác nhìn quanh tỏ vẻ lạ lùng. Đôi chân của những chú gà con nhỏ xíu như những chiếc tăm. Cái mỏ của chúng giống như là hai vỏ trấu chắp lại vậy, vàng óng. Gà mẹ đi trước nhưng vẫn không quên lo lắng, ngoái lại để mắt đến con mình. Đôi mắt hiền từ của mái mơ như hai hạt huyền bàng bạc bao đêm. Chân chị bước thong thả, thỉnh thoảng bới đất kiếm mồi cho đàn con. Thấy mẹ “cục cục” liên hồi, đàn con ùa về chân mẹ để được phần. Trên khuôn mặt chị Mái Mơ hiện rõ niềm vui. Đôi cánh chị Mái Mơ âu yếm nhẹ nhàng. Chú trống choai thấy mẹ con gà mái mơ đi kiếm ăn lạ cũng đi theo. Thỉnh thoảng chú lại cất tiếng gáy lanh lảnh của mình cho tất cả cùng nghe.

Đàn gà trông nhật đáng yêu trong nắng vàng rực rỡ. Ngắm nhìn đàn gà em có thể thấy được tình cảm mẫu tử thiêng liêng luôn ở bất kì loài động vật nào. Không những thế em có thể thấy được những tập tính đáng yêu ở loài gà.

Mẫu 2:

Tả con bò

Trong dịp nghỉ hè vừa rồi em được ba mẹ cho em lên Ba Vì chơi. Nơi đây có rất nhiều đồi núi với thẳm cỏ xanh non mơn mởn cùng những đàn bò sữa đang tung tăng gặm có. Đó là những con bò sữa lần đầu tiền em được nhìn thất thực tế mà không phải nhìn qua chiếc hộp sữa vinamilk mà em thường uống hằng ngày.

Từ con đường cong nhỏ vào đến khu trang trại, xa xa em nhìn thấy rất nhiều những con bò đang gặm cỏ trên đồi. Lại gần hơn để quan sát thì mới thấy những con bò sữa thật to khỏe làm sao. Những con bò sữa con nào cũng có đặc điểm chung đó là lớp da màu trắng đan xen những đốm màu đen khoang rộng ở trên lưng, ở mặt và ở cả những khớp khuỷu chân nữa. Có con bò toàn thân nhìn đen xì như gỗ mun, lại có hai vệt khoang ở lưng rồi mông trông thật khác biệt.

Với cái đầu to luôn cúi về phía trước, hai cái tai nhỏ cong ở hai bên cứ vểnh lên. Trên đỉnh đầu con bò có phần xương đầu hơi nhô lên cao như quả đồi vậy. Khuôn mặt dài với hai đôi mắt to tròn màu đen nhìn rất hiền. Cái miệng rộng với hai bên quai hàm là những hàm răng chắc khỏe giúp con bò gặm cỏ tốt hơn. Hai cai lỗ mũi của con bò to, vùng xung quanh mũi như mọc thêm vài sợi lông tơ màu trắng trông rất dễ thương. Bốn cái chân của con bò chắc khỏe trong mỗi bước đi, theo sau con bò là cái đuôi dài với sợi lông dài màu nâu trông như một chiếc chổi nhỏ cứ phe phẩy đằng sau cặp mông xinh xắn, nhìn rất đáng yêu. Nhìn những con bò với cái bụng to và phần bầu sữa thì căng mọng với vài ba chiếc núm vú nhỏ để vắt ra những dòng sữa tinh khiết.

Những con bò sữa trông rất hiền lành và thân thiện với người nông dân. Chúng ăn rất khỏe nên cho ra rất nhiều sữa để sản xuất trong khu nhà máy sữa của vùng. Em thấy những con bò sữa thật tuyệt vời vì chúng giúp em được uống sữa mỗi ngày để cao lớn.

Mẫu 3:

Tả đàn trâu

Cuối tuần, em theo bố đi Đồng Nai thăm một người bạn cũ của bố. Khi xe đừng ăn trưa dọc đường, em tình cờ trông thấy một con trâu đang ăn cỏ ven đường.

Con trâu lông đen mượt, to và cao, bề dài trâu áng chừng một mét rưỡi. Đầu trâu hình khối kim tự tháp. Sừng trâu cong cong hình lưỡi liềm, to bằng bắp tay em nhọn vút. Mắt trâu to và dài, lông mi của nó có màu trắng bạc như tóc một cụ già. Mũi trâu to, người ta xỏ một sợi dây thừng qua mũi trâu để dễ nắm dắt trâu đi. Con trâu đứng bên vệ đường điềm nhiên ăn co dọc theo bờ ruộng. Hàm trâu đưa qua, đưa lại nhai cỏ, tiếng trâu liếm cỏ nghe ‘“xực xực”, nom rất ngon lành. Con trâu em trông thấy có lẽ là một con trâu cày vì vai nó lực lưỡng, bốn chân to còn bê bết bùn sình và ách cày đang tháo đổ ở ruộng. Chắc là chủ trâu cho trâu nghỉ ăn cỏ. Con trâu bước tới từng bước một, chậm rãi nhai cỏ, đuôi chủ trâu ve vẩy trông rất nhàn rỗi.

Con trâu là bạn của nhà nông, trâu giúp nông dân cày bừa. Phân trâu dùng để bón ruộng đất rất tốt. Ngày nay, mặc dù người ta dùng máy cày để cày ruộng nhưng trâu vẫn vô cùng cần thiết. Ở những đám ruộng nhỏ, khó đi thì dùng trâu cày tiện hơn cày máy. Trâu còn dùng để kéo xe, kéo các guồng xay xát như ép mía để làm đường theo kiểu sản xuất thủ công. Trâu còn dùng để trục bùn đáy ao nuôi tôm trong chăn nuôi thủy sản… Vì thế, bà con nông dân ta có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Được đi chơi xa cùng bố và được nhìn thấy một con trâu khỏe đẹp, trông thấy cảnh đồng quê thanh bình em rất vui sướng. Cảnh vật cũng làm cho em hiểu biết thêm về đời sống, sinh hoạt của nhà nông. Em sẽ học tập tốt để có khả năng cống hiến sức mình, giúp nông dân và trâu đỡ vất vả hơn.

Đề 4: Tả một con vật lần đầu tiên em thấy trên hoạ báo hay trên truyền hình, phim ảnh.

Bài văn tham khảo

Mẫu 1:

Tả con vật trên truyền hình: Tả con chồn núi

Sau khi dùng điểm tâm do mẹ chuẩn bị sẵn, em vào xem ti vi. Chương trình của kênh thế giới loài vật đã làm em thấy thật thích thú.

Lần đầu tiên em được thấy một kẻ săn mồi ngộ nghĩnh đến thế. Loài chồn núi có tên khoa học không nhớ nổi này có dáng vóc như con sóc, nhỏ hơn thỏ. Thế mà lại săn thỏ đấy. Theo bình luận của người dẫn chương trình thì chúng săn mồi bằng phương pháp thôi miên. Tức là khiến con mắt bị say và mất khả năng tự vệ. Chồn núi dùng bốn chân ngắn và nhỏ như chân chuột đi qua đi lại trước mặt con mồi; sau đó nhảy thẳng người lên, kể cả chiếc đuôi cũng thẳng. Toàn thân chú như một vệt chớp loằng ngoằng màu xám chờn vờn trước cặp mắt đờ đẫn, ngơ ngác của con thỏ. Hình như chưa đúng lúc đế tiêu diệt con mồi. Chú ta còn trổ tài xiếc: chống hai chân trước, đưa hai cân sau và chiếc đuôi chổng lên trời, lộn cả thân hình tạo thành một vòng tròn. Cứ thế chồn ta ra chiêu. Thú thật rằng nhờ em nhìn qua ti vi, chứ nếu nhìn gần em cũng sẽ bị cuốn hút vào trò nhào lộn ấy mà phải chóng cả mặt. Cuối cùng, điều phải đến đã đến. Cả thân mình con thỏ như nhũn ra, ngã khuỵu xuống. Nhanh như chớp, con chồn lao nhanh về phía con mồi, há to miệng ra và ngoạm ngay cổ con thỏ rồi tha đi. Em vô cùng thích thú với những hình ảnh có thật và sống động mà người thực hiện chương trình đã cung cấp.

Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Tầm hiểu biết của em đã được mở rộng qua việc nhìn rõ những điều mắt thấy tai nghe.

Mẫu 2:

Tả con vật trên truyền hình: Tả chim két

Tối thứ năm tuần rồi, cả gia đình em quây quần xem truyền hình và chờ đợi chương trình “Thế giới động vật” vì em được biết chương trình hôm đó giới thiệu về loài két, một loài chim thông minh và có thể nói được tiếng người.

Két là giống chim đặc biệt, khá gắn bó với con người. Khi muốn thuần dưỡng, két phải được nhốt riêng vào một chiếc lồng bằng tre khá lớn và ngày ngày người ta dạy nó tập nói tiếng người. Thân chim không lớn lắm, chỉ nhỉnh hơn cổ tay em một chút. Cái đầu to bằng quả chanh. Cái mỏ quặp màu đỏ to quá cỡ. Đôi mắt tròn xoe linh hoạt, đưa đi đưa lại long lanh như hai giọt nước. Một túm lông mọc chờm trên đỉnh đầu trông như cái mào nhỏ. Két có lông cánh và lông đuôi rất dài, tạo cho nó có dáng thanh thanh uyển chuyển. Từ đầu đến đuôi chim két phủ một màu lông xanh biếc, giống như màu lông của chim bói cá, đẹp tuyệt vời! Con két không ưa hoạt động như chim sơn ca, hoàng anh, sáo sậu. Nó thường đứng im, móng sắc quặp chặt lấy thanh gỗ bắc ngang trong lồng, vẻ mặt trầm ngâm như đang nghĩ ngợi điều gì. Thỉnh thoảng, nó cúi đầu, thong thả uống nước đựng trong chiếc bình hay mổ những hạt ngô, hạt đậu. Ấy thế nhưng chỉ thoáng thấy bóng ai vào nhà là nó nhanh nhẹn hẳn lên. Nếu là người quen, nó mừng rỡ tíu tít như chào đón. Nếu là người lạ, nó kêu to lên: “Có khách! Có khách!” nghe hệt như tiếng người. Món ăn thường ngày của két là những loại hạt như ngô hoặc đậu … Nó cũng thích ăn rau tươi và chuối chín. Lúc ngủ, nó rúc đầu vào cánh, lông xù ra để giữ hơi ấm.

Tuy là lần đầu tiên được xem chú két trên truyền hình nhưng em đã thấy rất thích chú chim này, ước gì em cũng có được một chú két xinh đẹp để bầu bạn và có thể trò chuyện với chú thật là thỏa thích.

Mẫu 3:

Tả con vật trên truyền hình: Tả đại bàng

Với truyền hình cáp chương trình trên ti vi phong phú hơn. Một số kênh truyền hình chuyên về một chương trình nào đó và rất được khán giả ưa chuộng. Trong số đó em rất yêu thích chương trình “Thế giới động vật”. Hôm nay chương trình ấy giới thiệu hình ảnh và tập tính sống của chim đại bàng.

Đại bàng còn gọi là chim ưng là một loài chim săn mồi cỡ lớn. Đại bàng loại lớn có chiều dài cơ thể hơn một mét nặng bảy ki-lô-gam. Nó có cái đầu lớn như quả đấm của võ sĩ quyền anh. Bộ lông của đại bàng là một áo choàng đẹp: lông đầu màu trắng ngà hơi pha màu kem sữa, lông mình và lông cánh màu đen, lông ngực và lông bụng của đại bàng màu trắng. Mắt của đại bàng to, hơi xếch, có màu do cam viền quanh con người rất đẹp. Mỏ của nó cứng, màu nâu khoằm xuống. Sải cánh của đại bàng dài từ một mét rưỡi đến hai mét. Đại bàng thường làm tổ trên núi cao hoặc cây cao. Tổ của chúng rất lớn và mỗi năm chúng lại tha về tổ nhiều cành cây mới để làm cho tổ kiên cố hơn trước. Đại bàng có dáng đẹp và uy dũng. Nó là loài chim săn mồi giỏi, thường được thợ săn nuôi và huấn luyện để bắt mồi. Đại bàng biểu tượng cho sức mạnh và lòng can đảm, tầm nhìn xa và sự bất tử. Nó được coi là vua của không trung và sứ giả của vị thần lối cao. Vì thế hình ảnh đại bàng được dùng dế làm huy hiệu cho một số lực lượng như Trung tâm rình báo Mỹ. Đại bàng là chúa tể các loài chim giống như hô là chúa sơn lâm của rừng sơn vậy.

Đại bàng là con chim đẹp và dũng mãnh. Em rất thích chim đại bàng. Em ao ước lớn lên em cũng mạnh mẽ, bay cao và bay xa trên con đường sự nghiệp như chim đại bàng bay giữa không trung vậy.

Mọi chi tiết liên hệ với chúng tôi :
TRUNG TÂM GIA SƯ TÂM TÀI ĐỨC
Các số điện thoại tư vấn cho Phụ Huynh :
Điện Thoại : 091 62 65 673 hoặc 01634 136 810
Các số điện thoại tư vấn cho Gia sư :
Điện thoại : 0902 968 024 hoặc 0908 290 601

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*