Đường đi Sa Pa
Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.
Buổi chiều, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ. Nắng phố huyện vàng hoe. Những em bé Hmông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng. Hoàng hôn, áp phiên của phiên chợ thị trấn, người ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.
Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.
Sa Pa quả là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.
Theo NGUYỄN PHAN HÁCH
Chú thích:
– Sa Pa: một huyện thuộc tỉnh Lào Cai.
– Rừng cây âm âm: rừng cây rậm rạp, hơi tối và tĩnh mịch.
– Hmông, Tu Dí, Phù Lá: tên gọi của ba dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao.
– Hoàng hôn: lúc mặt trời lặn.
– Áp phiên: hôm trước phiên chợ.
Nội dung chính Đường đi Sa Pa
Bài đọc nói về quãng đường lên SaPa của đoàn khoa học miền xuôi. Đường lên núi rất dốc và có nhiều điều thú vị. Quang cảnh đường lên SaPa vô cùng đẹp, có lá vàng, lại có hoa đào, lê, mận như tuyết. Thiên nhiên bốn mùa như quy tụ hết ở đây, nên SaPa được coi là món quà diệu kì của thiên nhiên dành cho nước ta.
Bố cục bài Đường đi Sa Pa
Có thể chia bài đọc thành 3 đoạn
Đoạn 1: Từ đầu đến liễu rủ
Đoạn 2: Từ Buổi chiều đến tím nhạt
Câu 1 (trang 103 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2) : Mỗi đoạn trong bài là một bức tranh đẹp về cảnh, về người. Hãy miêu tả những điều em hình dung được về mỗi bức tranh.
Trả lời:
Theo em mỗi đoạn văn là một bức tranh đẹp về cảnh, về người rất hấp dẫn và thú vị.
– Đoạn 1: Đường lên Sa-Pa đẹp như con đường đi lên động tiên mà em đọc được trong các truyện cổ tích. Cảm giác của du khách trên con đường đến với Sa-Pa là cảm giác như bay bồng bềnh trên nhừng đám mây, vượt qua những thác trắng như mây trời, những rừng cây âm âm, những rừng cây đỏ rực hoa chuối… lung linh và huyền ảo và thú vị đến vô cùng.
– Đoạn 2: Cảnh phố huyện vui mắt và rực rỡ sắc màu của một thị trấn trên phố núi: nắng thì vàng hoe, người ngựa dập dìu đi chợ trong sương núi tím nhạt”. – Đoạn 3: Phong cảnh Sa-Pa thật huyền diệu. Thoắt cái là lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái là mùa đông với mưa tuyết trên những cành đào cành lê, cành mận. Và thoắt cái là mùa xuân với những làn gió nhẹ hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung quý hiếm.
Câu 2 (trang 103 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2) : Những bức tranh bằng lời trong bài thể hiện sự quan sát rất tinh tế của tác giả. Hãy nêu một chi tiết thể hiện sự quan sát ấy.
Trả lời:
Có thể nói cảnh vật trên con đường lên Sa-Pa và cảnh vật ở Sa-Pa được tác giả quan sát rất tinh tế.
Ví dụ:
– Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên một cảm giác bồng bềnh huyền ảo.
– Những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa.
– Những con ngựa màu đen huyền, màu trắng tuyết, màu đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.
– Thời tiết ở Sa-Pa thì thay đổi liên tục. Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh cơn mưa tuyết…Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn…
Câu 3 (trang 103 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2) : Vì sao tác giả gọi Sa-Pa là “món quà kì diệu” của thiên nhiên ban tặng?
Trả lời:
Vì phong cảnh ở Sa-Pa quá đẹp, quá huyền diệu.
Câu 4 (trang 103 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2) : Bài văn thể hiện tình cảm của tác giả đối với cảnh đẹp Sa- Pa như thế nào?
Trả lời:
Thể hiện sự yêu thích, hứng thú, ngưỡng mộ và tác giả đã thể hiện tình cảm ấy bằng tấm lòng của mình qua câu văn ca ngợi Sa-Pa hết lời: “Sa-Pa quả là món quà tặng kì diệu mà thiên nhiên dành cho đất nước ta”.
* Nội dung: Ca ngợi vẻ đẹp độc đáo cùa Sa-Pa, thể hiện sự yêu mến thiết tha và lòng ngưỡng mộ của tác giả trước món quà kì diệu mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta.
Mọi chi tiết liên hệ với chúng tôi :
TRUNG TÂM GIA SƯ TÂM TÀI ĐỨC
Các số điện thoại tư vấn cho Phụ Huynh :
Điện Thoại : 091 62 65 673 hoặc 01634 136 810
Các số điện thoại tư vấn cho Gia sư :
Điện thoại : 0902 968 024 hoặc 0908 290 601
Leave a Reply