✅ Công nghệ quân sự ⭐️⭐️⭐️⭐️⭐

5/5 - (1 vote)

Công nghệ quân sự là ứng dụng công nghệ để sử dụng trong chiến tranh. Nó bao gồm các loại công nghệ có bản chất quân sự rõ ràng và không phải là ứng dụng dân sự, thường là do chúng thiếu các ứng dụng dân sự hữu ích hoặc hợp pháp, hoặc nguy hiểm khi sử dụng mà không được đào tạo quân sự thích hợp. Công nghệ quân sự thường được nghiên cứu và phát triển bởi các nhà khoa học và kỹ sư đặc biệt để sử dụng trong trận chiến của các lực lượng vũ trang. Nhiều công nghệ mới ra đời là kết quả của sự tài trợ quân sự cho khoa học. Kỹ thuật vũ khí là thiết kế, phát triển, thử nghiệm và quản lý vòng đời của các hệ thống và vũ khí quân sự. Nó dựa trên kiến ​​thức của một số ngành kỹ thuật truyền thống, bao gồm kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, cơ điện tử, quang điện tử, kỹ thuật hàng không vũ trụ, kỹ thuật vật liệu và kỹ thuật hóa học. Các dòng là xốp; phát minh quân sự đã được đưa vào sử dụng dân sự trong suốt lịch sử, đôi khi sửa đổi nhỏ nếu có, và đổi mới dân sự đã được đưa vào sử dụng quân sự tương tự.

Khát vọng làm chủ công nghệ thiết bị quân sự của Việt Nam

Radar cảnh giới biển do VHT sản xuất. Để đạt được thành công, VHT sử dụng tối đa nguồn lực với mục tiêu chinh phục mọi vũ khí khí tài quân sự, phục vụ an ninh quốc phòng của quốc gia.

Hiện đại hóa quốc phòng là mục tiêu được Đảng, Nhà nước và Quân đội đặt ra rất rõ ràng, các doanh nghiệp quân đội “lĩnh ấn tiên phong” thực hiện sứ mệnh này. Vừa qua, báo cáo của Tổng quan lực lượng Quân sự 2020 (Military Balance 2020) của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, Vương quốc Anh) đã đề cập đến Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) là một trong những doanh nghiệp trang thiết bị quốc phòng mới tiêu biểu của khu vực châu Á. Đây chính là thành quả, là minh chứng rõ nét thể hiện khát vọng làm chủ công nghệ và bản lĩnh Việt Nam.

Với việc xác định “tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại”, Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra các mục tiêu, xác định nhiệm vụ trọng tâm và các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh”, đồng thời “bám sát, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển công nghiệp và kinh nghiệm công nghiệp hóa của thế giới”.

Từ kinh nghiệm của thế giới

Trên thực tế, định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng không phải là mới, đã được các nước công nghiệp như Mỹ, Đức, Anh hay gần đây là Nga, Ấn Độ thực hiện. Một quốc gia cho dù có nền kinh tế lớn mạnh đến đâu cũng không thể “đổ tiền” vào phát triển công nghiệp quốc phòng “đơn dụng” chỉ để phát triển các món “đồ chơi”.

Nhưng dù sao việc phát triển công nghiệp quốc phòng ở các nước lớn cũng dễ dàng hơn vì họ có nguồn lực tổng hợp rất mạnh, giúp các chính phủ “bạo chi”. Đối với các quốc gia nhỏ, đặc biệt là khi nền kinh tế còn khó khăn, thì nỗ lực để làm chủ công nghệ, vươn tầm thế giới, vừa bảo đảm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền quốc gia và phát triển đất nước, luôn có ý nghĩa sống còn. Và câu chuyện của đất nước Israel là một thí dụ điển hình.

Trong cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” nổi tiếng của đồng tác giả Dan Senor và Saul Singer dẫn câu chuyện, quyết định cắt viện trợ quân sự cho Israel của tổng thống Pháp De Gaulle vào cuối thập niên 60, đưa số phận đất nước và người dân Israel khi đó vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính việc này đã “giúp” Israel đưa ra quyết định phải tự chủ trong công nghệ vũ khí, để rồi tự nâng tầm và mạnh mẽ tiến vào đợt bùng nổ công nghệ cao sau đó. Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn của đất nước “nhỏ bé” này đã khơi dậy trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mọi người dân và nhanh chóng sản xuất được những khí tài hạng nặng như xe tăng, máy bay chiến đấu…

Hiện nay, Israel được biết đến là quốc gia rất hùng mạnh về công nghệ cũng như thiết bị quân sự nhờ quyết tâm tự lực, tự cường. Lấy “bệ đỡ” từ công nghiệp quốc phòng, các doanh nghiệp Israel sản xuất nhiều sản phẩm công nghiệp dân dụng chất lượng, có tính cạnh tranh cao, xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Không dừng lại ở đó, các ngành công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ của người Israel cũng phát triển rực rỡ, nhiều nhà khoa học, kĩ sư, doanh nhân nổi tiếng của quốc gia này xuất thân từ người lính và trưởng thành từ các doanh nghiệp quân đội.

Trở lại với định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Việt Nam, mới đây trong bài viết “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, tạo cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại cho Quân đội nhân dân Việt Nam” đăng trên Tạp chí Cộng sản (tháng 9-2020), Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Quốc phòng, nêu rõ: “Trước mắt, cần tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án trọng điểm, nhất là hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng ở một số lĩnh vực mũi nhọn để phát triển các hệ thống vũ khí mới, hiện đại. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển giao công nghệ cho công nghiệp dân dụng, tạo nền tảng, động lực để phát triển công nghiệp quốc gia; phấn đấu thực hiện mục tiêu quốc gia khởi nghiệp từ phát triển công nghiệp quốc phòng như một số nước phát triển trên thế giới”.

Chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 367 triển khai vũ khí sẵn sàng chiến đấu.

Theo Thượng tướng Bế Xuân Trường, “thực tiễn cho thấy, nhu cầu đầu tư cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là rất lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn hẹp. Vì thế, bên cạnh việc tăng cường nguồn đầu tư của Nhà nước, cần mở rộng phương thức huy động, phát huy tổng thể các nguồn lực của đất nước cho thực hiện nhiệm vụ này”.

Thượng tướng Bế Xuân Trường cũng ghi nhận: “Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao, được triển khai quyết liệt, đúng định hướng và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của công nghiệp quốc phòng có sự chuyển biến rõ nét và có bước đột phá”.

Dẫn chứng trên thể hiện mục tiêu phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đặt ra là phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đã và đang được các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực thực hiện và đạt được một số thành quả đáng tự hào. Trong số đó, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá, và câu chuyện tiếp theo là một thí dụ.

“Mắt thần” – make in Vietnam được Mỹ cấp bằng sáng chế

Câu chuyện khởi đầu vào 11 năm trước, khi Viettel nhận nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất radar và chế tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh để tiết kiệm chi phí đắt đỏ khi mua sản phẩm của nước ngoài, chưa kể đến những khó khăn trong quá trình vận hành như bảo trì, bảo dưỡng. Và những kĩ sư của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) là những người lĩnh ấn thực hiện nhiệm vụ này.

Dự án chế tạo radar đầu tiên chỉ có năm người, mỗi người phụ trách một bộ phận và kiến thức về radar lúc bấy giờ là con số 0 tròn trĩnh. Trong giai đoạn 2010-2014, để bắt tay chế tạo radar, các kĩ sư của Tổng công ty Công nghệ cao Viettel (VHT) phối hợp với một đơn vị khác để hoàn thiện sản phẩm nhưng đây chỉ là sản phẩm hiện đại hóa từ đài radar cũ. Cũng trong thời gian đó, song song với việc chế tạo sản phẩm trên, dựa vào cơ sở nghiên cứu thiết kế cũng như kinh nghiệm thực tế, một sản phẩm radar cảnh giới phòng không được ra đời bởi chính người Viettel, đó là Radar cảnh giới bắt thấp dải sóng đề-xi-mét. Tháng 1-2015, sản phẩm này đã nghiệm thu thành công ở cấp Bộ Quốc phòng và đây là sản phẩm đầu tiên trong lĩnh vực radar do chính “người Viettel” làm chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế đến gia công sản xuất.

Tổng công ty Công nghệ cao Viettel (VHT) làm chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế đến gia công sản xuất thiết bị radar quân sự, được ví như “mắt thần” bảo vệ Tổ quốc.

Nhận xét về sự khác biệt của sản phẩm này do với các loại radar nhập khẩu từ nước ngoài, Thiếu úy Phùng Thái Hà thuộc Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không – Không quân khẳng định radar do Viettel sản xuất có tính năng kỹ thuật chiến đấu được bảo mật tốt hơn so với radar được cung cấp bởi nước ngoài, đặc biệt là tần số. “Nếu lộ lọt về tần số sẽ giảm khả năng chiến đấu của khí tài, dễ bị địch gây nhiễu, từ đó làm giảm khả năng chiến đấu của đơn vị”, Thiếu úy Phùng Thái Hà lý giải.

Sản phẩm này không chỉ phục vụ trong nước, hiện Viettel đã xuất khẩu “radar –make in Vietnam” sang một số nước khác trên thế giới. Để đạt được “quả ngọt” này là cả một quá trình học hỏi không ngừng nghỉ của các kĩ sư VHT. Giám đốc Trung tâm Radar (thuộc VHT), kĩ sư Trần Vũ Hợp bộc bạch, chìa khoá duy nhất để giải bài toán từ con số 0 về kiến thức đến xuất khẩu thành công sản phẩm Radar “Make in Vietnam” chính là làm thật nhiều để lấy kinh nghiệm thực tế và không thể đốt cháy giai đoạn. “Bình thường mọi người làm việc 8 tiếng thì chúng tôi làm việc 12-14 tiếng/ngày, thậm chí làm xuyên đêm”, kĩ sư Trần Vũ Hợp chia sẻ.

Sau thành công của dự án radar cảnh giới phòng không, kĩ sư Trần Vũ Hợp cùng các cộng sự lại tiếp tục bắt tay vào sản xuất bằng được radar cảnh giới biển, thiết bị chủ lực dùng trong hải quân. Trong quá trình nghiên cứu, chế tạo radar cảnh giới vùng biển, kĩ sư Trần Vũ Hợp cùng các cộng sự còn là tác giả của sáng chế “Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu” vừa được cấp bằng sáng chế tại Mỹ vào tháng 10-2020 (Sáng chế số: US 10,802,130 B2 ngày 13-10-2020).

Sáng chế đã giải quyết được vấn đề phát hiện mục tiêu trong các môi trường nhiễu khác nhau, giúp tăng khả năng phát hiện mục tiêu của đài radar từ 10-15% so với sản phẩm nhập ngoại tùy theo từng loại mục tiêu cụ thể.

Sản phẩm nêu trên chỉ là một trong số bốn sản phẩm của VHT được Mỹ cấp bằng sáng chế và trong số hàng trăm sản phẩm được đăng ký bản quyền và bảo hộ tại Việt Nam. Sự thành công bước đầu của VHT là tín hiệu đáng mừng, minh chứng cho hướng đi đúng nhằm thực hiện nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Quân đội.

Mới đây, báo cáo của Tổng quan lực lượng Quân sự 2020 (Military Balance 2020) của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS, Vương quốc Anh) cũng đã đề cập đến Viettel và VHT là một trong những doanh nghiệp trang thiết bị quốc phòng mới tiêu biểu của khu vực châu Á, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển các sản phẩm thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, radar và hệ thống chỉ huy điều khiển. Điều này khẳng định khát vọng làm chủ công nghệ quân sự của Việt Nam đã đạt được thành quả ban đầu, được quốc tế ghi nhận.

Một số giải pháp đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; hoạt động nghiên cứu KH&CN được tổ chức triển khai tương đối đồng bộ, thống nhất, toàn diện và có bước phát triển mới, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, góp phần từng bước bảo đảm trang bị cho quân đội, hiện đại hóa vũ khí, khí tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, đồng thời nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng, chủ động trong bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

Nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự được ứng dụng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội. Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN ngày càng tăng, đa số được ứng dụng trong thực tiễn, nhiều sản phẩm được triển khai sản xuất loạt, đưa vào trang bị trong quân đội.

Thông qua triển khai các chương trình, đề án lớn hướng đến các sản phẩm mục tiêu đồng bộ, quy mô lớn, phức tạp, đã làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp VKTBKT công nghệ cao, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu KH&CN trên một số lĩnh vực. Trình độ nghiên cứu cơ bản, công nghệ nền, công nghệ phụ trợ đã có bước phát triển. Công nghiệp quốc phòng cơ bản có đủ năng lực để tự chủ từ nghiên cứu đến sản xuất trong nước hầu hết các loại VKTBKT thiết yếu cho lục quân, trang bị thông tin liên lạc, chế tạo một số hệ thống tích hợp, các cụm khối cơ khí, điện tử, vật tư, linh kiện phục vụ cho chế tạo các loại vũ khí, khí tài mới, bảo đảm kỹ thuật các loại VKTBKT trong biên chế của các quân, binh chủng, ngành.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra hệ thống mô phỏng huấn luyện phi công và kíp chỉ huy bay do Viettel nghiên cứu phát triển.

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu được xây dựng, cơ bản đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, được đào tạo, bồi dưỡng trong nước và các nước tiên tiến, trưởng thành qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Đã hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu tại các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, có nhiều nhóm nghiên cứu trẻ; xây dựng và hình thành một số cơ sở nghiên cứu mạnh chuyên ngành và đa ngành, bước đầu xây dựng được mô hình doanh nghiệp quân đội tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cơ sở vật chất bảo đảm cho nghiên cứu đã từng bước được đầu tư, bổ sung, nâng cao năng lực phục vụ công tác nghiên cứu, kiểm tra, chế thử và sản xuất loạt. Xây dựng được hệ thống phòng thí nghiệm trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo có trang thiết bị tương đối hiện đại, có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Các phòng thí nghiệm đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, đào tạo và dịch vụ KH&CN, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức KH&CN và nhà khoa học giải quyết được các nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực.

Tuy vậy, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu KH&CN cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như: Vẫn ít những sản phẩm KH&CN quy mô lớn, trình độ cao đưa vào ứng dụng và trang bị cho quân đội; cơ chế quản lý và triển khai còn rất nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu…

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặc biệt là các nguy cơ an ninh phi truyền thống, điển hình như dịch Covid-19; chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến, sự xuất hiện của các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới; cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, nhất là chủ quyền biển, đảo còn nhiều khó khăn, phức tạp…

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Xu hướng tình hình, nhất là sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mục tiêu, lộ trình xây dựng quân đội tiến lên hiện đại đặt ra những yêu cầu rất cao đối với lĩnh vực KH&CN quân sự. Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, công tác KH&CN quân sự trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, xác định rõ các chủ trương, định hướng phát triển KH&CN trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2030 của Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại và xây dựng quân đội hiện đại từ năm 2030. Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025 tập trung thực hiện tốt việc triển khai và hoàn thành tổng kết các chương trình, đề án KH&CN, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở mới các chương trình, đề án KH&CN trọng điểm khác.

Hai là, rà soát thống nhất quy hoạch nhu cầu VKTBKT và các yêu cầu với nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN. Xác định cụ thể nhu cầu, sản phẩm mua sắm, chuyển giao công nghệ và tự nghiên cứu thiết kế trong nước. Sản phẩm nghiên cứu trong nước phải đảm bảo yêu cầu kỹ, chiến thuật tương đương sản phẩm nhập ngoại, giá thành phải thấp hơn. Không mua các sản phẩm quân đội có khả năng thực hiện, có chỉ tiêu tương đương.

Ba là, kiện toàn lại các tổ chức nghiên cứu KH&CN theo hướng chuyên sâu và gắn với chức năng nhiệm vụ, gắn nghiên cứu với sản xuất. Thực hiện việc giao nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN theo định hướng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, năng lực sở trường. Các học viện, nhà trường hướng về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu nền; các viện nghiên cứu hướng vào nghiên cứu ứng dụng, gắn với các cơ sở sản xuất quốc phòng.

Bốn là, phối hợp với các đơn vị ngoài quân đội và doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, tiếp cận thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các đơn vị trong quân đội phải nâng cao khả năng hợp tác, tránh tình trạng độc quyền, vì lợi ích riêng của đơn vị; có cơ chế để các đơn vị ngoài quân đội nắm bắt thông tin nhu cầu để hợp tác, tuy nhiên phải bảo đảm yếu tố bảo mật, giao nhiệm vụ có tính phân đoạn, độc lập, hướng vào thế mạnh của các đơn vị bên ngoài.

Năm là, đổi mới cơ chế quản lý và triển khai nhiệm vụ KH&CN, cơ chế chính sách, cơ chế quản lý theo quy định của Nhà nước và phù hợp đặc thù của Bộ Quốc phòng. Có cơ chế đãi ngộ, trọng dụng để huy động, phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao của quân đội và ngoài Nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ KH&CN khó, trọng tâm, trọng điểm. Cho phép cán bộ KH&CN của các đơn vị nghiên cứu tham gia trong đàm phán, tư vấn, thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ, dự án cải tiến hiện đại hóa VKTBKT. Đẩy mạnh việc chuyển đổi, thành lập các doanh nghiệp KH&CN tự chủ để đổi mới sáng tạo; trước mắt, kiên quyết thực hiện đối với các đơn vị nghiên cứu có tính lưỡng dụng. Đề xuất quy trình nhằm rút ngắn thời gian đưa vào triển khai các nhiệm vụ KH&CN để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xây dựng cơ chế đặc thù trong triển khai các chương trình, dự án trọng điểm.

Sáu là, nâng cao tiềm lực KH&CN, chú trọng đầu tư tập trung phục vụ cho các hướng nghiên cứu ưu tiên, sản phẩm trọng điểm. Rà soát quy hoạch hệ thống phòng thí nghiệm trong quân đội, tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm theo hướng ưu tiên phục vụ cho nghiên cứu thiết kế, chế tạo các sản phẩm mục tiêu. Thực hiện minh bạch việc quản lý tài chính của các phòng thí nghiệm được Nhà nước và Bộ Quốc phòng đầu tư.

Bảy là, tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm. Ưu tiên đầu tư nguồn lực ngân sách đặc biệt cho các chương trình, đề án nghiên cứu vũ khí, trang bị hiện đại cho quân đội; khắc phục tình trạng dàn trải ngân sách. Chú trọng đầu tư cho sản xuất loạt “0” các sản phẩm nghiên cứu để đưa vào trang bị, đặc biệt đối với những sản phẩm nghiên cứu chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn nhập ngoại. Cần có cơ chế đặc thù về tỷ lệ dự phòng để bảo đảm ngân sách hoạt động nghiên cứu.

Lịch sử kỹ thuật, vũ khí, trang bị quân sự

– Vũ khí là phương tiện kỹ thuật, hoặc tổ hợp các phương tiện kỹ thuật dùng để tiêu diệt đối phương trong đấu tranh vũ trang. Vũ khí gồm hai phần chính: phần trực tiếp diệt mục tiêu như gươm, giáo, tên, bom, đạn… và phương tiện mang như cung, nỏ, súng, pháo, tên lửa, máy bay… Những vũ khí phức tạp hơn còn có các khí tài, thiết bị bổ trợ, bảo đảm, điều khiển và dẫn đường. Trong hệ thống vũ khí hiện đại, các thành phần trên được kết hợp thống nhất gọi là tổ hợp vũ khí trang bị.

Theo mức độ sát thương, vũ khí được chia thành vũ khí sát thương vũ khí phi sát thương, vũ khí thông thướng và vũ khí hủy diệt lớn hoặc vũ khí sát thương hàng loạt.

Theo đối tượng trang bị, có vũ khí hàng không, vũ trụ, hàng hải, pháo binh, bộ binh;

Theo quy mô, nhiệm vụ phải giải quyết, có vũ khí chiến lược, chiến dịch – chiến thuật, chiến thuật;

Theo công dụng, có vũ khí phòng không, chống tăng, chống hạm, phòng chống tên lửa đường đạn…;

Theo số người sử dụng, có vũ khí cá nhân và vũ khí tập thế.

Theo nguồn năng lượng và dạng tác động có vũ khí lạnh, hỏa khí, hạt nhân, hóa học, sinh học…;

Theo khả năng cơ động có vũ khí cố định, tự hành, xe kéo, mang vác…

Theo mức độ tự động hóa quá trình bắn có vũ khí tự động, bán tự động, không tự động, vũ khí rôbốt… Mỗi loại vũ khí xuất hiện đều dẫn đến những thay đổi trong nghệ thuật quân sự!

Trong quá trình lịch sử, con người sống và sản xuất ra của cải vật chất bằng phương tiện gì thì đánh giặc bằng phương tiện đó. Căn cứ vào tính chất hiệu năng của vũ khí, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng loài người đã trải qua ba lần thay đổi kỹ thuật, có thể gọi là ba cuộc cách mạng kỹ thuật, đồng thời trải qua ba cuộc cách mạng kỹ thuật quân sự. Cách mạng kỹ thuật quân sự lần thứ nhất diễn ra khi chuyển từ vũ khí lạnh sang hỏa khí (do phát minh ra thuốc phóng). Cách mạng kỹ thuật quân sự lần thứ hai ra đời trong thế kỷ XX khi xuất hiện và sử dụng vũ khí hạt nhân (do phát minh ra pkản ứng hạt nhân) và những thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuật, công nghệ trọng các lĩnh vực vật lý học, hóa học, vật liệu học, điều khiển học, sinh học, năng lượng, điện tử học, công nghệ thông tin, du hành vũ trụ được ứng dụng vào quân sự.

Căn cứ vào nguyên lý kỹ thuật của vũ khí trang bị, thì loài người cũng đã trải qua ba cuộc cách mạng kỹ thuật quân sự. Cách mạng kỹ thuật quân sự lần thứ nhất diễn ra khi con người phát minh ra nguyên lý đòn bẩy. Nhà bác học vĩ đại Ácsimét đã từng giải thích sức mạnh diệu kỳ của đòn bẩy bằng câu nói nổi tiếng: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy được cả Trái đất”. Từ nguyên lý khoa học đơn giản này, con người sáng chế ra cái cày – một công cụ đơn giản đã khai sinh ra cuộc cách mạng nông nghiệp, đưa con người từ bỏ cuộc sống săn bắt, hái lượm, du mục và đến với cuộc sống định cư, cày cấy trồng trọt. Từ đó, loài người bước vào thời đại văn minh nông nghiệp phát triển trong nhiều ngàn năm. Cách mạng kỹ thuật quân sự lần thứ hai diễn ra vào cuối thế kỷ XVIII, khi nhà bác học người Anh Giêmxơ Oát phát minh ra động cơ hơi nước (1762), khai sinh ra cuộc cách mạng công nghiệp và mỏ đầu thời đại văn minh công nghiệp. Khác với thời đại văn minh nông nghiệp kéo dài hàng nhiều ngàn năm, thời đại văn minh công nghiệp chỉ có hơn hai trăm năm với đỉnh cao trong thế kỷ XX. Cách mạng kỹ thuật quân sự lần thứ ba diễn ra trong thế kỷ XX với việc sáng chế ra máy tính điện tử, một thành tựu kỹ thuật vĩ đại đã khai sinh ra cuộc cách mạng thông tin, đưa loài người tiến vào thời đại văn minh thông tin. Nếu cuộc cách mạng nông nghiệp chỉ tạo nên những thay đổi chậm chạp, cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra  sự thay đổi nhanh và mạnh hơn, thì cuộc cách mạng thông tin đã và sẽ tạo ra những đổi thay vượt xa trí tưởng tượng của con người.

Công nghệ thông tin đã xóa bỏ khoảng cách không gian, rút ngắn thời gian, đưa thông tin đi khắp toàn cầu theo thời gian thực, làm thay đổi căn bản khái niệm “chủ quyền quốc gia” vốn từ lâu đã là khái niệm truyền thống trong lịch sử của bất cứ quốc gia nào. Chủ quyền quốc gia truyền thống ngăn  cản các quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Với công nghệ thông tin, không ai có thể ngăn chặn được sự liên kết thông tin xuyên quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, công nghệ mạng thông tin mà điển hình là mạng Internet làm cho thế giới không còn bị phân chia Đông, Tây, Nam, Bắc, không còn phân chia thành thị với nông thôn, giàu với nghèo, nhân loại đang nối liền thành một khối thông qua mạng điện thông toàn cầu. Đang hình thành khái niệm “làng toàn cầu”, trong đó mọi người có thể tự do trao đổi ý kiến, thông tin, phát ngôn. Cuộc cách mạng thông tin đã, đang và sẽ tạo ra mối đe dọa đối với cỡ cấu quyền lực thế giới.

Một đặc điểm cơ bản trong lịch sử phát triển kỹ thuật của nhân loại là tính gia tốc ngày một nhanh. Trước thế kỷ XV, sự phát triển chậm chạp, chủ yếu dựa trên những phát minh khoa học và kỹ thuật đơn lẻ, chưa có được nền tảng lý luận vững chắc. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, sự phát triển nhanh hơn, nhưng vẫn chưa qua được giai đoạn công nghệ – kỹ xảo, công nghệ kinh nghiệm.

Thế kỷ XIX chứng kiến sự đổi mới và phát triển dựa trên nền tảng lý luận khoa học và lý luận công nghệ vững chắc, có hệ thống hạ tầng cớ sở mạnh nhờ có nền đại công nghiệp phát triển. Trong thế kỷ XX, quá trình đổi mới, phát triển tăng tốc trên quy mô toàn cầu, dựa trên hàng loạt thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ, được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính sách quốc gia. Thế kỷ XX chứng kiến sự đổi mới và phát triển khoa học – kỹ thuật và công nghệ vừa tuần tự, vừa có tính đột phá, cách mạng. Nhiều nước đã nhạy bén bắt kịp thời cớ, phát triển nhanh từ xuất phát điểm kỹ thuật và công nghệ rất thấp với trình độ của thế kỷ XV. Vì thế, thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự với tốc độ nhanh chưa từng có và đạt được nhiều thành tựu vượt xa tất cả các thành tựu trước đây trong tiến trình lịch sử của loài người, đặt cơ sở cho sự phát triển diệu kỳ trong thế kỷ XXI.

Viện nghiên cứu

– Trực thuộc Bộ Quốc phòng còn có các viện nghiên cứu về khoa học – nghệ thuật – kỹ thuật quân sự như Viện Chiến lược Quốc phòng, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Viện Lịch sử Quân sự, Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng…

Viện Chiến lược Quốc phòng có chức năng tư vấn cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam những vấn đề liên quan đến đường lối, chính sách quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang; nghiên cứu, phân tích, dự báo các nguy cơ đối với an ninh – quốc phòng của Việt Nam; các vấn đề tư tưởng, đường lối, học thuyết quân sự; nghệ thuật quân sự, phương thức tiến hành chiến tranh; các vấn đề kinh tế – quốc phòng, đề xuất phương hướng tổ chức, xây dựng các lực lượng vũ trang, hệ thống lãnh đạo, chỉ huy và các biện pháp bảo vệ Tổ quốc.

Viện Khoa học và Công nghệ quân sự là cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự; nghiên cứu phát triển các trang thiết bị vũ khí của quân đội đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại đồng thời nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ phục vụ dân sinh.

Viện Lịch sử Quân sự là cơ quan nghiên cứu lịch sử đầu ngành của quân đội, có nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng như trong tương lai.

Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng là cơ quan nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc phòng của các nước đồng thời là cơ quan có nhiệm vụ tham mưu và tổ chức các hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương của Bộ Quốc phòng.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*