✅ Dàn ý Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu (3 mẫu) ⭐️⭐️⭐️⭐️⭐

5/5 - (1 vote)

Dàn ý Phân tích hình tượng nhân vật Tnú – mẫu 1

1. Mở Bài

 – Rừng xà nu là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

– Truyện viết về thiên nhiên và con người Tây Nguyên anh dũng, bất khuất, kiên cường. Tnú là một nhân vật nổi bật trong truyện kết tinh mọi phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên.

2. Thân Bài

– Tnú từ nhỏ đã chịu nhiều bất hạnh, sớm mồ côi cha mẹ, anh lớn lên trong sự yêu thương, che chở và đùm bọc của dân làng mình

– Từ khi còn nhỏ, Tnú đã bộc lộ những phẩm chất anh hùng, gan góc của mình:

+ Giác ngộ sớm về cách mạng

+ Chịu khó học hỏi, chăm chỉ, cầu tiến

+ Làm giao liên giỏi, vô cùng dũng cảm

– Sau khi vượt ngục trở về, Tnú ngày càng trưởng thành hơn. Khi anh Quyết hi sinh, Tnú nhận nhiệm vụ thay anh, đứng lên lãnh đạo cuộc chiến của dân làng.

– Có hạnh phúc nhỏ bên Mai

– Vợ và con anh bị giết, Tnú bị hành hạ tàn ác

– Từ nỗi đau thương vô hạn, Tnú càng căm thù bọn giặc, nỗi căm thù ấy biến thành hành động, gia nhập quân giải phóng.

– Lập được nhiều chiến công hiển hách, giết chết những tên như thằng Dục.

=> Là niềm tự hào của thế hệ cha anh và buôn làng Tây Nguyên và gương sáng cho thế hệ mai sau.

3. Kết Bài

– Tnú là một con người với số phận đầy đau khổ nhưng vượt lên tất thảy là nhân cách bao la, ngời sáng. 

– Tnú chính là đại diện vô cùng tiêu biểu cho những người anh hùng, cho vẻ đẹp của người con núi rừng Tây Nguyên.

Dàn ý Phân tích hình tượng nhân vật Tnú – mẫu 2

I. Mở bài:

– Sơ lược về tác giả và tác phẩm, giới thiệu nhân vật anh hùng Tnú.

II. Thân bài:

* Lai lịch, xuất thân và số phận đau thương:

– Mồ côi, được sống và lớn lên trong vòng tay bảo bọc, nâng đỡ của dân làng Xô Man, một ngôi làng có truyền thống đánh giặc.

– Tnú được thừa hưởng từ cái nôi truyền thống nhiều phẩm chất tốt đẹp và trở thành một con người mang vẻ đẹp kết tinh của cộng đồng, mà theo lời cụ Mết nói: “Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”.

– Phải tận mắt chứng kiến cái chết thương tâm của người vợ trẻ và đứa con chưa đầy tháng dưới tay giặc.

– Bị giặc bắt, tra tấn, dùng nhựa xà nu đốt cháy mười đầu ngón tay của anh, khiến anh mất đi đôi bàn tay khỏe mạnh, đủ đầy.

=> Thử thách để giúp Tnú trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng, cũng như củng cố và làm sáng rõ hơn lý tưởng chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

* Vẻ đẹp của tinh thần dũng cảm, lòng gan dạ, sự nhanh nhẹn, nhạy bén, không sợ hy sinh và tinh thần giác ngộ cách mạng sớm:

– Khi còn bé đã xung phong làm nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ, khi được anh Quyết hỏi có sợ bị bắn không, Tnú rất khảng khái nhắc lại đúng lời cụ Mết rằng: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn núi nước này còn!”, thể hiện tấm lòng kiên trung, sớm giác ngộ cách mạng từ những ngày còn thơ bé của Tnú.

– Quyết tâm học chữ cho thật giỏi để làm cách mạng, có lần vì không nhớ nổi chữ mà Tnú đập vỡ bảng, thậm chí lấy đá đập vào đầu đến chảy máu.

– Gan dạ và mưu trí khi đi liên lạc“Không bao giờ đi đường mòn…leo lên cây cao nhìn quanh một lượt rồi mới xé rừng mà đi, lọt tất cả các vòng vây”, rồi qua sông không chọn chỗ nước êm mà cứ chọn chỗ thác mạnh mà bơi ngang để tránh khỏi tầm mắt của lũ giặc.

– Khi bị giặc bắt, Tnú nhanh trí nuốt luôn cả thư, khi bị bắt giam Tnú cũng tìm cách vượt ngục để trở về buôn làng.

* Vẻ đẹp từ tấm lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, sự căm thù giặc sâu sắc và ý thức tổ chức kỷ luật cao

– Ngày bé khi đi đưa thư, chúng tra tấn Tnú dã man nhưng anh hề hé răng lấy nửa chữ, sau 3 năm anh vượt ngục rồi trở về lãnh đạo dân làng chuẩn bị vũ khí đánh giặc.

– Khi trưởng thành, Tnú lần nữa bị giặc bắt, châm lửa đốt mười đầu ngón tay, nhưng Tnú vẫn không hề hé răng kêu lấy một tiếng, “người cộng sản không thèm kêu van” .

– Sự khiếm khuyết của đôi bàn tay chính là động lực, là lời nhắc nhở, là ký ức đau thương về những gì kẻ thù đã để lại trong cuộc đời anh. Cũng chính đôi bàn tay ấy trở nên mạnh mẽ, kiên cường dẫu rằng thiếu đi một đốt, nhưng bàn tay ấy vẫn cầm được súng, vẫn bóp được cò, thậm chí Tnú còn chính tay bóp chết được một thằng giặc khỏe mạnh.

* Vẻ đẹp từ tình cảm gắn bó sâu sắc với quê hương, với gia đình:

– Tấm lòng yêu thương mẹ con Mai, cũng như nỗi đau đớn tột cùng khi không thể cứu kịp vợ con, quyết hy sinh thân mình để cứu mẹ con Mai.

– Khi Mai mới sinh con, Tnú đã xé đồ của mình làm đôi để cho làm tấm địu con, đó là tấm lòng hy sinh, lòng yêu thương của một người cha đối với đứa con bé bỏng.

– Có tình cảm sâu sắc với quê hương, anh yêu dân làng, yêu làng, nhớ từng kỷ niệm gắn bó với làng Xô Man, anh đi chiến đấu không chỉ vì mối thù của bản thân mà còn là để bảo vệ làng, bảo vệ mảnh đất quê hương.

III. Kết bài:

– Nêu cảm nhận.

Phân tích hình tượng nhân vật Tnú – mẫu 1

    Mỗi nhà văn thường có một vùng đất riêng, với Nguyễn Trung Thành đó là Tây Nguyên. Ông đã có rất nhiều những tác phẩm viết về mảng đề tài này, đặc biệt là hình ảnh của những con người kiên cường bất khuất nơi núi rừng Tây Nguyên.

    Một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sáng tác của Nguyễn Trung Thành là truyện ngắn “Rừng xà nu”, tác phẩm là câu chuyện về dân làng Xô Man trong kháng chiến chống Mĩ. Trong số những con người hiên ngang bất khuất của làng Xô Man nổi bật lên là hình ảnh Tnú. Câu chuyện về cuộc đời anh đã được tái hiện cụ thể qua lời kể của già làng bên bếp lửa nhà ưng.

    Nhìn lại chặng đường đời của Tnú, chúng ta có thể dễ dàng thấy hiện lên hình ảnh một Tnú trước và sau khi đứng lên cầm vũ khí. Trước khi cầm vũ khí, ngày từ khi còn nhỏ Tnú đã là cậu bé gan góc, dũng cảm biểu lộ một tính cách táo bạo mạnh mẽ. Tnú thay người già làm liên lạc, nuôi giấu cán bộ, nhanh nhẹn luồn rừng đưa thư, vượt qua suối lũ một cách dũng cảm. Cậu thật sáng dạ khi biết rằng bọn Mĩ nguỵ ít khi phục kích ở chỗ nước chảy xiết.

    Người đọc cảm thấy một cái gì thật đáng yêu ở sự quan tâm học chữ không chịu thua kém ai của Tnú. Cậu bé này dám lấy đá đập vào đầu mình khi học cái chữ không sáng bằng Mai. Và đặc biệt sự gan dạ dũng cảm của Tnú khi bị giặc bắt, chú bé nhỏ tuổi này đã chỉ vào bụng mình và nói: “Cộng sản ở đây này”. Mặc cho những vết dao chém dọc ngang trên tấm lưng bé nhỏ Tnú vẫn không khai báo, vẫn gan dạ kiên cường. Trước những trận đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, Tnú thật may mắn khi được học cái chữ và được giác ngộ cách mạng từ rất sớm.

    Khi thoát ngục Kon Tum trở về, Tnú đã là một chàng trai cường tráng, hiểu biết được tôi luyện qua nhiều thử thách. Giờ đây Tnú giống như một cây xà nu trưởng thành, vạm vỡ, căng đầy nhựa sống và ham ánh sáng. Theo lời dạy của anh Quyết ngày nào, Tnú thay anh làm cán bộ và một lần nữa anh đã đi 3 ngày đường lên núi Ngọc Linh nhưng không phải là lấy đá để làm phấn mà là để mài giáo mác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy.

    Không chỉ nhìn thấy rõ con đường để đi, Tnú còn có một cuộc sống hạnh phúc với tình yêu của Mai, với đứa con mới chào đời. Nhưng quãng thời gian hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi, giặc đã cầm súng kéo về, buôn làng còn chưa kịp cầm vũ khí. Tnú và thanh niên trong làng phải trốn vào rừng để rồi một mình Tnú lại xông ra mong che chở cho mẹ con Mai trước đòn roi của kẻ thù, nhưng cả hai đều không sống được.

    Cảnh tượng về cái chết đau thương trong đêm ấy cứ trở đi trở lại trong lời kể của già làng và dòng hồi ức đau đớn của anh. Không những không cứu được vợ con, Tnú còn bị kẻ thù đốt cháy mười đầu ngón tay “Mỗi ngón chỉ còn hai đốt…. không mọc lại được”. Nỗi đau thương này là minh chứng hùng hồn cho câu nói vừa giản dị vừa sâu sắc của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.

    Đặc biệt là hình ảnh của Tnú sau khi cầm vũ khí chiến đấu thật đẹp và lớn lao biết bao. Hình ảnh Tnú hiện lên như những anh hùng thời nào trong các khan, trong các trường ca Tây Nguyên. Khi đốt cháy 2 bàn tay của Tnú kẻ thù muốn dập tắt ý chí phản kháng, muốn tiêu diệt khát vọng chiến đấu của người dân Xô Man. Chúng muốn người dân nơi đây mãi mãi xuôi tay trong kiếp nô lệ thấp hèn dưới lưỡi gươm và nòng súng tàn bạo của chúng.

    Nhưng Tnú và người dân làng Xô Man không cam chịu khuất phục, mà ngược lại họ đã phản kháng quyết liệt. Họ đã biết vượt lên đau thương để vùng lên cầm vũ khí tự giải phóng mình. Lửa đã thiêu cháy mười đầu ngón tay Tnú, lửa bùng cháy trên mười đầu ngón tay tẩm nhựa xà nu. Nhưng Tnú không thấy đau đớn, anh chỉ thấy lửa cháy ở trong lòng – ngọn lửa chiến đấu sẽ thiêu cháy kẻ thù. Và một tiếng hét căm hờn, phẫn uất đã vang vọng khắp núi rừng Xô man, tiếng hét ấy như khơi dậy cao độ lòng căm thù giặc của cả buôn làng.

    Xác mười tên giặc đã chết nằm ngổn ngang trên mặt đất. Đêm ấy lửa cháy suốt trong bếp lửa nhà ưng. Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cái đêm nổi dậy ấy thật hào hùng, sôi động: “Tiếng chiêng nổi lên, đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn suốt đêm nghe cả rừng Xôman ào ào rung động và lửa cháy khắp rừng. Cái đêm nổi dậy ấy đâu chỉ là của dân làng Xôman mà là sự lớn dậy phi thường của cả 1 cộng đồng, dân tộc. Dường như trong đêm ấy đang sống lại cái không khí linh thiêng hào hùng của những thiên sử thi Tây Nguyên”

    Một điều không thể thiếu khi nhắc tới cuộc đời của Tnú đó chính là hình ảnh hai bàn tay của anh. Đôi bàn tay bị đót cháy của Tnú đã nhóm lên ngọn lửa căm thù giặc sâu sắc của dân làng Xôman, nó còn soi sáng cuộc đời anh. Anh đã thay mặt người dân làng Xôman lên đường theo kháng chiến đi tìm những thằng Dục khác.

    Bởi lẽ không phải ngẫu nhiên tác giả lại để cho Tnú kể với dân làng mình sự đối đầu của anh với kẻ thù sau này: “Tôi nói: này tao có súng đây, tao có cả dao găm đây nhưng tao không giết mày súng, tao không đâm mày bằng dao nghe chưa Dục. Tao giết mày bằng mười ngón tay cụt này thôi, tao bóp cổ mày thôi”. Nhà văn đã cố tình tô đậm hình ảnh đôi bàn tay Tnú – đôi bàn tay có cả một lịch sử, một số phận.

    Lúc còn nhỏ, đôi bàn tay ấy kiên trì học từng nét chữ của anh Quyết, cần cù làm nương phát rẫy. Đôi bàn tay dám lấy đá đập vào đầu mình vì học cái chứ không sáng dạ bằng Mai. Và đôi bàn tay ấy dám chỉ vào bụng mình mà nói với quân giặc “Cộng sản ở đây này” khẳng định lòng trung thành với cách mạng. Lớn lên đôi bàn tay xúc động nắm lấy bàn tay người con gái anh yêu thương và cũng đôi bàn tay ấy xé tấm đồ làm nịu cho đứa con thơ dại.

    Lửa đốt cháy mười đầu ngón tay để rồi mãi mãi chỉ còn hai đốt không bao giờ mọc lại được….. cho nên Tnú muốn dùng đôi bàn tay ấy để giết chết kẻ thù. Bao uất hận căm hờn đã dồn lên đôi bàn tay kia, nó đã trở thành biểu tượng cho ý chí bất khuất, cho sức sống mãnh liệt của Tnú và người dân làng Xôman.

    Kẻ thù tàn ác có thể đốt cháy đôi bàn tay nhưng không thể tiêu diệt được sức mạnh phi thường, tiềm ẩn trong con người họ. Đó là ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng. Đó là một dân tộc kiên cường dũng cảm như những khu rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào bị thương mà vẫn xanh tươi bát ngát trải xa tít tắp tận chân trời.

    Xây dựng thành công nhân vật Tnú, nhà văn đã khắc hoạ được hình ảnh tiêu biểu của con người mang đạm dòng máu, tính cách của núi rừng Tây Nguyên. Và qua hình tượng Tnú, Nguyễn Trung Thành còn gợi ra được số phận và phẩm chất của cả cộng đồng trong cuộc chiến đấu bảo vệ buôn làng thân yêu. Đó là tình cảm gắn bó thiết tha sâu nặng với quê hương đất nước, với núi rừng Tây Nguyên, căm thù giặc sâu sắc một lòng một dạ đi theo cách mạng, không ngại khó khăn, gian khổ, hi sinh, tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng.

    Có thể nói qua thiên truyện ngắn xuất sắc này của Nguyễn Trung Thành, người đọc càng thêm hiểu và thêm trân trọng con người Tây Nguyên với biết bao phẩm chất thật đẹp, thật cao quý.

Phân tích hình tượng nhân vật Tnú – mẫu 2

    Truyện ngắn Rừng xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành được đánh giá như một bài “Hịch Tướng Sĩ” thời kì đánh Mĩ để động viên, cổ động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì gian khổ. Trong truyện ngắn này, nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Tnú – biểu tượng cho sức mạnh của con người Tây Nguyên nói riêng và người Việt Nam nói chung trong thời đại đấu tranh cách mạng.

    Hình ảnh Tnú và hình ảnh rừng xà nu đại ngàn là hai hình ảnh trung tâm xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Trung Thành không tự mình kể về Tnú mà ông lựa chọn một cách rất khéo léo để cho chính già làng – Cụ Mết kể về Tnú. Cụ là người đã sống cùng Tnú những ngày khi anh còn bé, đã dõi theo mọi chặng đường anh đi cùng anh trải qua mọi buồn vui khó khăn. Cụ Mết là nhân chứng sống về cuộc đời Tnú. Hình ảnh người anh hùng Tnú hiện lên qua giọng kể ồm ồm của cụ Mết sao thật hào hùng và đậm chất sử thi.

    Tnú là người Strá, anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh lớn lên trong vòng tay yêu thương bao bọc của người dân làng Xôman. Với anh dân làng Xôman và cụ Mết đã trở thành gia đình thứ hai của anh. Anh luôn một lòng gắn bó với dân làng và sau này khi lớn lên chính cậu bé mồ côi người Strá được dân làng nuôi nấng ngày nào đã trở thành người chiến sĩ cách mạng cầm súng bảo vệ dân làng.

    Tnú cũng giống như rừng xà nu đại ngàn kia luôn ôm áp bao bọc người dân làng Xôman. Cụ Mết từng nói về Tnú “Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta” chính là một lời khen hoàn toàn xứng đáng. Tnú như một tấm gương phản chiếu cho sự bản lĩnh, gan góc và không ngại khó khăn, thử thách của người dân Xôman nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung.

    Khi còn nhỏ Tnú đã tỏ ra là một đứa trẻ gan dạ. Khi nhìn thấy những tấm gương làm liên lạc như anh Xút, bà Nhan bị bọn địch kia chặt đầu treo cổ thì Tnú vẫn không hề run sợ, anh vẫn dũng cảm xung phong nhận làm liên lạc. Với anh cái chết của anh Xút và bà Nhan như tiếp thêm động lực để anh tiến đến gần hơn với cách mạng, tiến đến gần hơn với con đường có Đảng và cách mạng soi đường chứ không làm anh phải run sợ và chùn bước như chúng nghĩ.

    Anh cũng giống như rừng xà nu đại ngàn kia dù có chịu đau thương đến nhường nào vẫn không chịu buông tay người dân Xôman “bên cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Tnú đã dùng trí thông minh của mình để tìm ra con đường liên lạc an toàn và “lọt qua hết vòng vây của giặc”, anh “không chọn đường mòn, không chọn quãng nước êm mà chọn con đường gai góc.

    Hình ảnh người anh hùng Tnú càng hiện lên oai hùng và đầy mưu trí khi bị giặc bắt, Tnú cũng không hề sợ hãi mà nhanh trí nuốt bức thư mật vào bụng. Đã thế, Tnú còn thách thức lại với bọn giặc khi chỉ tay vào bụng và nói: “Cộng sản ở đây này”. Ngay cả khi bị giặc trói bắt đốt mười đầu ngón tay, Tnú vẫn không kêu lên một tiếng, không van xin chúng đến nửa lời.

    Tất cả những đau đớn ấy chỉ làm cho lòng căm thù trong anh ngày một lớn dần, không hề làm anh nhụt chí mà đó như ngọn lửa châm ngòi cho ngọn lửa nghĩa khí trong anh bùng cháy. Người ta thường nói tuổi trẻ thường gắn liền với sự nông nổi, bồng bột nhưng ở người anh hùng trẻ tuổi Tnú người đọc không hề thấy chút nào của sự bồng bột mà thay vào đó là một tinh thần chiến đấu quả cảm, một người chiến sĩ liên lạc gan dạ và đầy mưu trí.

    Chắc hẳn người đọc không thể nào quên được hình ảnh Tnú cầm viên đá đập vào đầu để có thể nhớ được chữ. Cậu bé ấy cứ nghĩ rằng có thể nhét được những con chữ loằng ngoằng kia vào trí óc bằng cách bạo lực ấy. Nhưng khi được anh Quyết giải thích và động viên thì Tnú đã hiểu ra và học hành chăm chỉ hơn. Tinh thần học hỏi và cố gắng vượt lên chính mình của Tnú không phải ai cũng có được và điều đó càng làm cho mọi người tin tưởng và yêu mến đứa con người Strá này hơn.

    Động lực nào đã giúp Tnú gan dạ đến vậy. Bởi chính cuộc sống đã dạy anh, đã bồi đắp cho anh những phẩm chất của một người chiến sĩ ngay từ khi còn nhỏ. Ngay từ nhỏ, anh đã mồ côi cha mẹ nhưng được dân làng nuôi nấng vậy nên với anh dân làng chính là cuộc sống là dòng máu đang chảy trong con người anh. Anh đã lớn lên trong vòng tay dân làng, cùng dân làng bảo vệ cán bộ. Anh đã được sống cùng với cán bộ, đã cùng dân làng nuôi và che chở cán bộ nên anh hiểu làm cách mạng là như thế nào, và từ đó lòng yêu nước thù giặc trong anh đã lớn lên từng ngày.

    Cậu bé ấy đã lớn lên trong vòng tay của những người dân lương thiện, trong vòng tay của những chiến sĩ quả cảm vì nước quên thân thì không có lí gì lại không thể trở thành đứa con của cách mạng, đi theo con đường mà Đảng và cách mạng đã chỉ đường soi lối. Từ khi còn nhỏ, bị giặc bắt, bị đày đọa: “tấm lưng chằng chịt những vết chém” nhưng Tnú chưa bao giờ khai lấy nửa lời.

    Khi xông ra cứu mẹ con Mai, Tnú bị giặc bắt đốt mười đầu ngón tay và tận mắt chứng kiến giặc tra tấn giết chết người vợ yêu quí và đứa con hết mực yêu thương của vợ chồng anh nhưng không làm anh khuất phục. Lúc đó ai cũng hiểu nỗi đau trong lòng Tnú lớn đến nhường nào, trái tim anh như vỡ òa bởi những người thân duy nhất của anh, chỗ dựa vững chãi nhất của người chiến sĩ ấy đã bị hành hạ cho đến chết ngay trước mắt anh mà anh không thể làm gì được.

    Anh đã “bứt đứt hàng chục trái vải mà không hay” và nổi đau đã biến “hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Chúng nghĩ đánh một đòn tâm lí trí mạng như vậy với Tnú chắc anh không thể đứng dậy được nhưng không ngờ nỗi đau không từ ngữ nào tả hết ấy như tiếp thêm động lực để người con làng Xôman ấy ấy có thêm ý chí và động lực để gia nhập quân đội, để cầm súng giết giặc trả nợ nước báo thù nhà, bảo vệ dân làng và quê hương.

    Không chỉ dành tình yêu cho gia đình nhỏ của mình, Tnú còn có một tình yêu lớn lao với quê hương với bản làng. Trên đường trở về với bản làng đi qua cụm cây, ngọn cỏ hay suối nước nào mọi kỉ niệm trong anh đều ùa về. Dường như mọi thứ nơi đây vẫn thuộc về anh như ngày nào. Khi đã được tham gia lực lượng của cách mạng, Tnú là một người luôn tôn trọng kỉ luật đã đề ra.

    Tuy rất nhớ quê hương, nhớ dân bản nhưng Tnú chỉ trở về thăm quê hương khi có giấy phép, trong giấy ghi được về bao ngày thì anh chỉ về vỏn vẹn đúng số ngày đã được ghi. Với Tnú tôn trọng kỉ luật, tôn trọng cấp trên là đang tôn trọng chính mình. Mọi tình cảm riêng tư được anh dồn nén ở trong lòng và không cho chúng được phép chi phối tới công việc, ảnh hưởng tới niềm tin mà cách mạng và cán bộ đã dành cho anh.

    Bằng những ngôn từ sinh động tác giả Nguyễn Trung Thành đã dựng nên một hình tượng một người lính đầy gan dạ, kiên cường. Người chiến sĩ ấy được nuôi dưỡng và lớn lên trong cái nôi cách mạng. Chính người chiến sĩ mang tên Tnú ấy đã để lại trong lòng độc giả sự thán phục về tinh thần chiến đấu và tình yêu quê hương đất nước.

    Anh như những cây xà nu bất khuất kia, lấy thân mình che chở cho dân làng, góp xương máu của mình cho cách mạng và dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho lí tưởng quang vinh.

Phân tích hình tượng nhân vật Tnú – mẫu 3

    Rừng xà nu là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Trung Thành viết về thiên nhiên và con người Tây Nguyên anh dũng, bất khuất, kiên cường. Đó là bao thế hệ cách mạng đầy bản lĩnh chiến đấu, giàu lòng yêu nước, là đại diện tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, theo lý tưởng, ánh sáng cách mạng của dân tộc. Tnú là một nhân vật nổi bật trong truyện hiện lên với những vẻ đẹp đại diện cho người anh hùng sử thi của thời đại, kết tinh mọi phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên.

    Cuộc sống của Tnú từ nhỏ đã chịu nhiều bất hạnh, sớm mồ côi cha mẹ, anh lớn lên trong sự yêu thương, che chở và đùm bọc của dân làng Xô man. Từ khi còn nhỏ, Tnú đã bộc lộ những phẩm chất ánh hùng, gan góc của mình. Được truyền dạy về cán bộ, về Đảng, giác ngộ sớm về cách mạng nên luôn có lòng tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng.
    Cậu làm giao liên rất giỏi, táo bạo, không sợ hiểm nguy, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tnú học chữ thua Mai, nhưng không vì thế mà cậu nản chí, khi nghe anh Quyết dặn dò, cậu tự lấy đá đập vào đầu chính mình để nhắc nhở bản thân cố gắng học hành. Không chỉ vậy, Tnú còn rất thông minh và nhanh trí, khi trong một lần giặc bắt đã kịp trở tay nuốt lá thứ của cách mạng vào bụng, che giấu bí mật cách mạng.

    Trải qua bao đau đớn khi bị tra tấn dã man, vẫn không quên đảm bảo bí mật nhiệm vụ của mình, thậm chí còn thách thức bọn giặc khi chỉ tay vào bụng và bảo: “Cộng sản ở đây này!”. Nhờ sự giỏi giang và nhanh trí của mình, Tnú đã giúp nhiều cán bộ thoát khỏi vòng vây của địch “Năm năm chưa hề có cán bộ bị giặc bắt hoặc bị giết ở trong rừng”. Tnú mang trong mình những phẩm chất cần có của một người chiến sĩ làm cách mạng: sự dũng cảm, kiên trì, cẩn thận và yêu nước.
    Sau khi vượt ngục trở về, Tnú ngày càng trưởng thành hơn. Khi anh Quyết hi sinh, Tnú nhận nhiệm vụ thay anh, đứng lên lãnh đạo cuộc chiến của dân làng. Anh kết đôi cùng Mai – người bạn chí cốt thời niên thiếu của mình và có một đứa con minh chứng cho tình yêu đẹp. Những tưởng sẽ được hạnh phúc bên gia đình nhỏ thì quân giặc tràn xuống buôn làng, đàn áp phong trào giải phóng.

    Vợ và con anh bị giặc bắt để dụ Tnú ra mặt, chứng kiến cảnh vợ con đập đánh dã man, không chịu được, đã xông vào cứu vợ con, nhưng không được. Bọn giặc tàn ác đã nhẫn tâm phá hoại hạnh phúc bình yên của một gia đình nhỏ. Một lần nữa, đau đớn lại bủa vây Tnú, chúng dùng nhựa xà nu đốt đi mười ngón tay anh.

    Nhưng anh không hề có một chút sợ hãi nào trong ánh mắt, bởi vợ con đã mất rồi, gia đình không còn nữa thì có nghĩa lý gì đâu, trong Tnú bây giờ là nỗi thù hận ngập tràn, ” Anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay… hai con mắt anh bây giờ là một cục lửa lớn”. Mắt anh hướng về thằng Dục, cái thằng đã thẳng tay giết chết đi người mà anh thương nhất, nỗi căm hờn lan toả trong anh.
Từ nỗi đau thương vô hạn, Tnú càng căm thù bọn giặc, nỗi căm thù ấy biến thành hành động, một lần nữa đứng lên, gia nhập quân giải phóng trả mối thù lớn cho gia đình cho dân làng Xô man. Vượt lên những nỗi đau thương của số phận, của cuộc đời, sức mạnh mẽ đã giúp Tnú giết chết những kẻ như thằng Dục còn tồn tại.

    Lập được nhiều chiến công hiển hách, Tnú xin nghỉ phép một đêm để trở về quê nhà bởi nỗi nhớ quê hương da diết, anh đã chấp hành đúng quy định của cấp trên, thực sự là người cán bộ mẫu mực, mang gương sáng cho những Dít, bé Heng,… là niềm tự hào của thế hệ cha anh và buôn làng Tây Nguyên. Đôi bàn tay của Tnú minh chứng cho sự đau thương và tội ác của chiến tranh. Đôi bàn tay ấy còn là nhân chứng hùng hồn cho cuộc chiến thắng lợi của nhân dân, đôi bàn tay cầm giáo mác chiến đấu với súng đạn của kẻ thù để giành lại tự do cho dân tộc, đôi bàn tay yêu thương và ấm áp tình người.
Tnú là một con người với số phận đầy đau khổ nhưng vượt lên tất thảy là nhân cách bao la, ngời sáng. Anh chính là đại diện vô cùng tiêu biểu cho những người anh hùng, cho vẻ đẹp của người con núi rừng Tây Nguyên. Có thể nói, bằng tài năng trong ngòi bút, tinh tế trong cảm nhận, đặc biệt là vận dụng khéo léo những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, tác giả Nguyễn Trung Thành đã xây dựng nên một hình tượng nhân vật vô cùng độc đáo.

    Đọc xong tác phẩm, em càng thêm khâm phục những người chiến sĩ đã hy sinh xương máu, hy sinh cả những hạnh phúc tốt đẹp nhất để bảo vệ dân tộc, càng thêm trân quý những hòa bình hôm nay. Tấm gương của Tnú cũng như của hàng vạn những anh hùng liệt sĩ dũng cảm đã thôi thúc em học tập, cố gắng trở thành người công dân tốt cho xã hội, phấn đấu vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam thân yêu.

Văn mẫu lớp 12 ⭐️⭐️⭐️⭐️⭐

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*